Sắp xếp hồ sơ xin việc hoàn chỉnh nhất
Trong hồ sơ xin việc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bôi xóa, chỉnh sửa nội dung.
Đối với các bạn sinh viên mới ra trường, làm thế nào để có được một bộ hồ sơ xin việc hoàn chỉnh là điều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, có một vấn đề khác cũng quan trọng không kém mà các ứng viên thường không chú ý đó là cách sắp xếp các giấy tờ, bằng cấp bên trong hồ sơ như thế nào mới hợp lý. Do đó, hãy sắp xếp hồ sơ của mình theo các trình tự như sau:
1. Đơn xin việc
Đơn xin việc có thể viết tay hoặc đánh máy tùy theo ý muốn của bạn. Phần này ngoài việc nêu mục tiêu muốn ứng tuyển vào vị tí nào của doanh nghiệp, cũng cần phải trình bày một số thông tin cơ bản của ứng viên, trình độ, chuyên môn của bản thân. Cố gắng làm nổi bật sự quyết tâm, cố gắng của bạn đối với quá trình xin việc làm.
2. Sơ yếu lý lịch và CV
Mọi người rất dễ nhầm lẫn giữa sơ yếu lý lịch và CV. Trong khi CV tập trung các nội dung liên quan đến bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng…thì sơ yếu lý lịch lại mang tính bao quát hơn về những thông tin liên quan đến người thân, gia đình, tình trạng hôn nhân…và quá trình đào tạo và công tác của bạn được tóm tắt một cách sơ lược về thời gian.
Tuy nhiên, một bộ hồ sơ xin việc thông thường không thể thiếu đi sơ yếu lý lịch, nó chính là cách để nhà tuyển dụng nhìn nhanh nhất về gia cảnh của bạn và quá trình học tập, công tác của bạn từ quá khứ cho tới hiện tại.
CV là thành phần không thể thiếu của hồ sơ xin việc. CV cũng giống như chính bản thân bạn vậy, nó không những thể hiện bộ mặt của bạn mà còn thể hiện tính cách và con người bên trong của bạn. Tuy đảm nhiệm một vai trò vô cùng quan trọng trong bộ hồ sơ, nhưng nếu bạn càng chắt lọc CV với những thông tin vô cùng ngắn gọn, hiệu quả và chính xác thì CV của bạn càng phát huy tác dụng của nó hơn. Và nếu như bộ hồ sơ của bạn được nộp đi nhiều công ty với những vị trí khác nhau, thì hãy nhớ chỉnh sửa CV sao cho phù hợp với từng vị trí và đừng bao giờ sử dụng một bộ hồ sơ tương tự cho nhiều vị trí khác nhau nhé.
3. Các bằng cấp, chứng chỉ
Phần này được sắp xếp thứ tự từ những cấp cao xuống cấp thấp. Và đặc biệt, những văn bằng liên quan trực tiếp đến vị trí tuyển dụng phải đặt lên trên cùng để nhà tuyển dụng dễ dàng nắm bắt được.
4. Các giấy tờ tùy thân
Sau khi đã xếp những giấy tờ quan trọng lên đầu thì cuối cùng, bạn nên bổ sung vào hồ sơ những giấy tờ tùy thân của mình như giấy chứng minh thư, giấy khám sức khỏe, hộ khẩu…để hồ sơ của mình có sự chuyên nghiệp hơn.
Đối với phỏng vấn xin việc, tùy theo yêu cầu của từng nhà tuyển dụng mà bạn sẽ phải chuẩn bị các loại giấy tờ photo hay bản công chứng. Thông thường, nếu nhà tuyển dụng không nói rõ yêu cầu, bạn chỉ cần chuẩn bị bản photo các loại giấy tờ. Tất cả sau khi sắp xếp thì bạn dùng kẹp kẹp lại, đặt vào vỏ bao hồ sơ.
5. Các loại giấy tờ khác
Giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận hạnh kiểm…
Đặc biệt lưu ý:
– Trong hồ sơ xin việc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bôi xóa, chỉnh sửa nội dung.
– Nếu bạn có thêm Thư xin việc và CV bằng tiếng Anh, bạn hãy để sau cùng. Lưu ý với bạn, CV bằng tiếng Anh hiện nay được đánh giá là “chìa khóa vàng” mở cánh cửa thành công. Khi có CV bằng tiếng Anh xuất hiện trong hồ sơ của bạn, cũng tương đương với việc bạn đã bước qua vòng loại hồ sơ của nhà tuyển dụng vì họ ưu tiên chọn hồ sơ vượt trội.
– Xu thế hiện nay, nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy bạn trước khi gặp mặt bạn, cho nên một số thông báo tuyển dụng yêu cầu người xin việc nộp hình chân dung toàn thân trong hồ sơ xin việc. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng những tấm hình chân dung thật đẹp, trang nhã…và hãy tự quyết định nên đặt vào hồ sơ xin việc hay không nếu nhà tuyển dụng không yêu cầu, và nếu…bạn muốn hồ sơ mình vượt trội.
Leave a Reply