7 câu hỏi giúp tuyển được người phù hợp với doanh nghiệp
Ứng viên có quan tâm tới tình trạng người nghe hay không? Ví dụ: “Vấn đề này có dễ hiểu với bạn không?”
Theo Phó chủ tịch của trang mạng tìm kiếm việc làm Glassdoor.com Mariah DeLeon, mỗi doanh nghiệp có các giá trị và nền văn hóa khác nhau, và trong quá trình làm việc, bạn sẽ chịu tác động không nhỏ từ trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence) của những đồng nghiệp xung quanh.
Do đó, để không phá vỡ nét văn hóa cũng như tương lai phát triển doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng thường cân nhắc rất kỹ xem ứng viên có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không. Sau đây là 7 câu hỏi phỏng vấn giúp họ nhận biết điều đó.
1. Ai là người truyền cảm hứng cho bạn? Tại sao?
Theo Craig Cincotta – Chánh văn phòng, Phó chủ tịch truyền thông của công ty chuyên về thiết kế nội thất Porch, câu hỏi trên giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về hình mẫu mà ứng viên muốn trở thành sau này, đồng thời tiết lộ những kiểu hành vi mà ứng viên tôn trọng.
2. Nếu mở công ty, bạn nghĩ 3 giá trị cốt lõi công ty cần có là gì?
Robert Alvarez – Giám đốc tài chính của trang thương mại điện tử Bigcommerce cho biết, mọi mối quan hệ tốt đều bắt đầu dựa trên niềm tin và những giá trị gắn kết. Việc nhìn thấy những giá trị ưu tiên của một người, như sự trung thực hay liêm chính, sẽ giúp bạn hiểu hơn về tính cách cũng như quan điểm sống của họ.
3. Nếu công ty phải thay đổi ưu tiên kinh doanh, bạn sẽ làm gì để đồng nghiệp hiểu và ủng hộ quyết định đó?
Theo Mariah DeLeon, thay đổi ưu tiên kinh doanh là việc thường xảy ra ở nhiều công ty. Và những nhân viên có khả năng xử lý vấn đề linh hoạt, có trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp tốt… có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi này.
DeLeon khuyên nhà tuyển dụng nên ưu tiên những ứng viên có tinh thần cầu tiến, hiểu được chính mình cũng như thấu hiểu người khác vì khả năng làm việc nhóm của họ rất tốt.
4. Bạn có còn giữ mối quan hệ bạn bè với đồng nghiệp cũ?
Alvarez cho biết, phải mất một thời gian mọi người mới có thể xây dựng được mối quan hệ và việc kéo dài các mối quan hệ thể hiện bạn trân trọng họ, đồng thời là một người biết quan tâm đến người khác.
5. Bạn nghĩ mình có còn thiếu kỹ năng hay kiến thức chuyên môn nào không?
Tính tò mò và ham học hỏi là những dấu hiệu quan trọng cho thấy ứng viên có nhiều khả năng và cầu tiến trong công việc. Alvarez cảnh báo: “Những người gặp khó khăn khi trả lời câu hỏi này thường thuộc tuýp người nghĩ rằng họ biết mọi thứ. Đây là những người bạn cần tránh xa”.
6. Bạn có thể chia sẻ một bài học, kỹ năng hay một câu nói nào đó khiến bạn tâm đắc không?
Câu trả lời của ứng viên sẽ tiết lộ nhiều phẩm chất, cụ thể :
– Ứng viên có dành thời gian suy nghĩ trước khi nói không?
– Ứng viên có khả năng giải thích trình tự vấn đề cho một người ít am hiểu về lĩnh vực đó không?
– Ứng viên có quan tâm tới tình trạng người nghe hay không? Ví dụ: “Vấn đề này có dễ hiểu với bạn không?”
7. Ba yếu tố hàng đầu giúp bạn gặt hái thành công là gì?
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng biết được ứng viên đó là người khiêm tốn hay ích kỷ. Theo Alvarez, khi mọi người nói về thành công của mình, hãy chăm chú lắng nghe họ. Chúng sẽ giúp bạn nhận ra đó là người thích khoe khoang thành tích cá nhân hay biết trân trọng sự giúp đỡ của những người khác.
“Hãy tìm thành viên có thể mang lại không khí tích cực cho nhóm. Bạn vẫn có thể chọn người thông minh hơn tất thảy các nhân viên còn lại nhưng nên cân nhắc đến khả năng phối hợp công việc của họ, bởi những người này thường quan tâm đến sự thành công của bản thân nhiều hơn là sự phát triển của doanh nghiệp”, Cincotta chia sẻ.
Leave a Reply